Diễn đàn NDT (Kiểm tra không phá hủy) Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
*** Diễn đàn NDT Việt Nam đã có giao diện phù hợp cho điện thoại di động. Giờ đây các bạn có thể truy cập ndtvn.forumvi.com tại bất kỳ đâu chỉ cần với một chiếc điện thoại di động có cài đặt WIFI hoặc 3G ***
QUẢNG CÁO
UNITEST
Latest topics
TIÊU ĐIỂM
Liên hệ quảng cáo
LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Liên hệ quảng cáo

Go down
avatar
Admin
Admin
Admin
Tổng số bài gửi : 309
Danh tiếng : 14
Join date : 22/02/2012
Age : 40
Đến từ : Hà Nội
https://ndtvn.forumvi.com

Đào tạo NDT - Một nghề với nhiều "trăn trở" Empty Đào tạo NDT - Một nghề với nhiều "trăn trở"

Fri 21 Nov 2014, 22:33
NDT có một vai trò quan trọng trong QA/QC công nghiệp

Hình thành và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, kiểm tra không phá hủy (NDT) đã trở thành một công cụ quan trọng và cũng là một nội dung hoạt động thiết yếu trong hầu hết các chương trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng (QA/QC) công nghiệp ngày nay.

Chất lượng, tính an toàn và độ tin cậy của nhiều sản phẩm, hạng mục từ công nghiệp dầu khí, hóa chất, chế tạo cơ khí cho đến sản xuất năng lượng, đặc biệt là điện hạt nhân, luôn gắn liền với các ứng dụng NDT. Với vai trò quan trọng như vậy, đã từ lâu, các hoạt động triển khai NDT tại các nước công nghiệp phát triển đã được tiến hành không chỉ theo những chuẩn mực, tiêu chuẩn (standard) - là những tri thức và kinh nghiệm của nhân loại được tích tụ và đúc kết, mà còn được pháp chế hóa, với những qui định luật pháp chặt chẽ và thống nhất.

Minh chứng điển hình cho nhận định này, là Bộ Qui phạm quốc gia (National Code) Lò Hơi và Bình áp lực của Hiệp hội kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ, ASME, gồm 12 Chương, đưa ra các nội dung yêu cầu có tính pháp lý về thiết kế, chế tạo và kiểm tra (bao gồm cả NDT) các hạng mục liên quan có phổ biến trong các công trình dầu khí, hóa chất, nhà máy điện, điện hạt nhân, trong đó có riêng 01 chương dành cho NDT.

Trình độ và đào tạo cá nhân NDT

Trong mọi lĩnh vực hoạt động, yếu tố con người luôn giữ vai trò chủ yếu, quyết định tính hiệu quả thậm chí cả sự thành bại của quá trình. Với NDT, tính chính xác, độ tin cậy của các thông tin mà nó cung cấp phụ thuộc rất lớn vào trình độ (qualification) của người trực tiếp thực hiện. Trong các hoạt động sản xuất, chế tạo công nghiệp, NDT từ lâu, cùng một số ít lĩnh vực hoạt động khác, được xem là một quá trình đặc biệt, trong đó, vai trò của cá nhân thực hiện và liên quan cũng rất đặc biệt.

Tính chất đặc biệt này thể hiện ở chỗ, yêu cầu về trình độ của người thực hiện NDT, được tiêu chuẩn hóa chặt chẽ, với các nội dung tóm tắt như sau:

1. Trình độ, được phân thành các cấp độ (level), phải dựa trên các yếu tố được lượng hóa rất chi tiết: nền tảng giáo dục (education background), đào tạo có tổ chức (organised training), kinh nghiệm tác nghiệp (operation experience), kiểm tra-đánh giá (examination)

2. Trình độ phải được minh chứng qua hồ sơ (record) và thể hiện dưới văn bằng, chứng chỉ (certificate)

3. Trình độ phải được duy trì bằng đánh giá định kỳ (thông thường ít nhất là hàng năm) qua đó xem xét, quyết định duy trì, đình chỉ (suspended) hoặc hủy bỏ (công nhận)

4. Trình độ chỉ có thời hạn, tối đa 05 năm, mà sau đó, yêu cầu phải có sự xem xét, đánh giá để quyết định gia hạn (công nhận) tiếp hay không

5. Trình độ chỉ là điều kiện cần để một cá nhân có thể tham gia thực hiện các hoạt động NDT. Hầu hết các công việc, dự án công nghiệp đều yêu cầu cá nhân liên quan phải trình diễn khả năng thực hiện (performance capability) đáp ứng các yêu cầu công việc cụ thể, thỏa mãn được cá nhân hay đại diện của tổ chức có thẩm quyền, trước khi được phép bắt đầu công việc.

Để tạo dựng và phát triển một trình độ cho cá nhân NDT, quá trình đào tạo là rất cần thiết. Tại các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia,  việc đào tạo đã được tiêu chuẩn hóa, từ qui định chi tiết thời lượng thực hiện (cho từng phương pháp, bậc trình độ, nội dung chủ đề) cho đến các hướng dẫn cụ thể về khung chương trình, công cụ, thiết bị, cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý cho tổ chức đào tạo.

Ứng dụng và đào tạo NDT ở VN

Có thể tin rằng, tại Việt Nam, NDT đã được đưa vào ứng dụng từ những năm đầu 60 của thế kỷ trước, với việc xây dựng các cơ sở công nghiệp ban đầu từ sự hỗ trợ của nước ngoài (Liên Xô với Miền Bắc và Hoa Kỳ với Miền Nam).

Cùng với sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, bắt đầu từ những năm 1980-1990, các công nghệ và kỹ thuật kiểm tra NDT hiện đại trên thế giới đã được đưa vào và ứng dụng ngày càng phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Chúng ta có thể tự hào rằng, ở đầu thời kỳ này, Viện năng lượng nguyên tử Việt nam, với sự hỗ trợ của IAEA, đã có 02 cơ sở (phòng thí nghiệm) NDT với các trang thiết bị tiên tiến và hiện đại bậc nhất trong phạm vi cả nước. Đồng thời ngay từ thời kỳ đó, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ việc đào tạo NDT, trở thành nơi cung cấp nhân lực NDT chủ yếu cho các ngành công nghiệp nước nhà.  Nhiều chuyên gia NDT hàng đầu, các cán bộ giữ vị trí quản lý chủ chốt trong các cơ sở công nghiệp, công ty kiểm tra chuyên nghiệp, và các tổ chức giám định và đăng kiểm lớn ngày nay cũng từng qua các khóa đào tạo, từ ban đầu cho đến bậc cao, của Viện.

Trung tâm NDE và chương trình phát triển điện hạt nhân

Thực hiện chủ chương lớn của nhà nước về chương trình phát triển điện hạt nhân, năm 2008, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, NDE, đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ 3 đơn vị thuộc Viện, vốn có truyền thống lâu năm và kinh nghiệm phong phú về nghiên cứu, đào tạo chuyển giao và ứng dụng NDT trong phạm vi cả nước.

Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã tập trung đầu tư mạnh mẽ cho Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập, trong đó, lĩnh vực Đào tạo NDT được “ưu tiên” bằng một hệ thống hiện đại và đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị vật tư cho đến các nguồn tài nguyên chương trình. Nhờ vậy, chỉ sau 02 năm, (2009-2011), các hoạt động đào tạo NDT không chỉ giữ được vai trò hàng đầu truyền thống mà còn phát triển theo một định hướng nhất quán, đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9000). Toàn bộ các quy trình, hướng dẫn triển khai từ khâu tuyển sinh, tìm hiểu nhu cầu/yêu cầu đào tạo học viên đến nội dung, chương trình đào tạo đã được xây dựng, luôn được cải tiến, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện.

Số liệu về hoạt động đào tạo của Trung tâm NDE trong 06 năm qua:

Đào tạo NDT - Một nghề với nhiều "trăn trở" So-luong-hoc-vien

Như một đặc điểm có tính qui luật, yếu tố con người trong hoạt động đào tạo NDT cũng giữ vai trò quyết định. Và đây chính là sự “trăn trở, lo toan” lớn nhất, thường trực nhất với những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Do vậy, việc đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên tại NDE luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu với nhiều giải pháp và công cụ đồng bộ, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt mà vẫn hướng đến các mục tiêu lâu dài.

Cụ thể là, song song với việc huy động các chuyên gia hàng đầu từ bên ngoài để đáp ứng các tiêu chí yêu cầu chất lượng cao từ thực tiễn ứng dụng, Trung tâm NDE đã từng bước tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc nhằm hướng đến phát triển một đội ngũ giảng viên riêng của mình, giàu kinh nghiệm tác nghiệp, có kỹ năng và tố chất sư phạm, có tác phong và đạo đức chuyên nghiệp. Đây thực sự là một quá trình phấn đấu lâu dài, gian khó, không thể một sớm một chiều hay đốt cháy giai đoạn mà thành. Chúng tôi nhận thức rằng, trước khi có thể đáp ứng trực tiếp các yêu cầu nhân lực của Chương trình điện hạt nhân, chúng ta phải đủ khả năng và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện nay. Đây chính phương châm xuyên suốt quyết định lộ trình và cách thức mà Trung tâm NDE đang bền bỉ và kiên trì thực hiện thông qua việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo NDT áp dụng cho nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, từ dầu khí, hóa chất, chế tạo cơ khí cho đến sản xuất năng lượng. Mục tiêu nhất quán trong hoạt động này không chỉ đóng góp cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế và xã hội, mà còn là biện pháp có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì và phát triển đội ngũ nhân lực của chính Trung tâm NDE, thông qua việc rèn luyện thực tiễn và đảm bảo được cuộc sống bằng đúng nghề nghiệp của từng cá nhân trong đó.

Phát triển điện hạt nhân là một chương trình rất lớn và thực sự đặc biệt với hoàn cảnh (so sánh) và xuất phát thấp như của nước ta. Đồng thời một yêu cầu có tính qui luật chung với mọi dự án công nghiệp trọng điểm, là yêu cầu cao về chất lượng của các sản phẩm, hạng mục chế tạo-lắp đặt nhằm đảm bảo tính an toàn và độ tin cậy vận hành sử dụng công trình lâu dài. Với nhà máy điện hạt nhân, nhiều hạng mục có tính quan trọng tới hạn (critical), yêu cầu này lại càng nghiêm ngặt hơn nữa. Đặc điểm này đặt ra một trách nhiệm kỹ thuật và công việc rất to lớn cho đội ngũ thực hiện và quản lý chất lượng công trình, trong đó có đội ngũ NDT.

Đáp ứng các yêu cầu nhân lực chuyên sâu cho chương trình phát triển điện hạt nhân, nhà nước đã giao trọng trách cho 06 cơ sở đào tạo trong cả nước mà Viện NLNT Việt Nam vinh dự là một địa chỉ tin cậy và có uy tín cao trong số đó. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn đặt ra các yêu cầu với nhiều thách thức, nhiều “trăn trở, suy tư” cho đội ngũ và các cơ sở đào tạo hạt nhân nói chung, và với cả lĩnh vực đào tạo NDT.

Hơn lúc nào hết, đội ngũ đào tạo của Trung tâm NDE, ngày càng thấm thía những lời dạy của các bậc lãnh đạo tiền bối của Viện, rằng, để thực hiện một chương trình thành công, đòi hỏi mỗi cán bộ trong ngành hạt nhân nguyên tử, không chỉ là trình độ chuyên môn và khả năng tổ chức tốt, mà còn cần phải có ý chí cương trực và dũng khí mạnh mẽ.  

Nhân ngày 20 tháng 11, là dịp tôn vinh của đất nước và dân tộc với sự nghiệp giáo dục- đào tạo, chúng tôi, những cán bộ đã và đang công tác trong lĩnh vực Đào tạo kiểm tra không phá hủy, xin kính chúc các lãnh đạo Viện, các giảng viên, chuyên gia, cộng tác viên gần xa; các nhân viên làm công tác hậu cần tại Trung tâm sức khỏe dồi dào, dành nhiều thời gian, công sức hơn nữa chung sức đồng lòng phát triển và đồng hành với lĩnh vực còn rất nhiều…“ trăn trở” này.

Đặng Thị Thu Hồng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trung tâm NDE

Ghi chú: Trong bài báo có sử dụng một số dữ liệu, luận điểm và kết quả nghiên cứu chính của Đề tài Bộ công thương, năm 2013-2014, về Xây dựng hệ thống QA/QC NDT trong công nghiệp.
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết